BÀI TẬP CUỐI KHOÁ MODUL 5 – BÁO CÁO PHÂN TÍCH TRƯỜNG HỢP THỰC TIỄN TƯ VẤN, HỖ TRỢ HỌC SINH THPT.

Adwords TIN HỌC 0 lượt xem

 TƯ VẤN, HỖ TRỢ HỌC SINH THPT

TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC VÀ DẠY HỌC

Báo cáo phân tích trường hợp thực tiễn tư vấn hỗ trợ học sinh lớp 10

Họ và tên học sinh: Lê Thị Hằng

Giáo viên thực hiện tư vấn, hỗ trợ: ……

Lý do tư vấn, hỗ trợ:  Học sinh gặp khó khăn trong quan hệ, giao tiếp với bạn

1. Mô tả

Hằng là học sinh lớp 10, em bị các bạn trong lớp tẩy chay vì học kém lại hay bày những trò trêu chọc cô giáo trong lớp. Hằng luôn làm cho các giáo viên giảng dạy bộ môn cũng như giáo viên chủ nhiệm phiền lòng vì em không những không chịu làm bài tập về nhà, quậy phá trong lớp mà còn nghĩ ra những trò để trêu giáo viên như em có lần đã vẩy nước rửa bát ra sàn để giáo viên đi trượt ngã….Chính vì những lý do đó nên các bạn trong lớp không ai muốn chơi với em, nhưng mọi người càng xa lánh thì Hằng lại càng gây gổ và nghĩ ra những trò tinh quái hơn trước. Giáo viên chủ nhiệm đã phải mời bố mẹ lên làm việc và nói chuyện nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Với trường hợp của Hằng để giúp em hòa nhập với các bạn trong lớp, giáo viên nên hỗ trợ học sinh thông qua các bước sau:

2. Hướng tư vấn, hỗ trợ

Bước 1. Thu thập thông tin của học sinh

Giáo viên quan tâm, chia sẻ và tìm hiểu thông tin có liên quan đến vấn đề của em Hằng bằng nhiều con đường khác nhau như: qua trò chuyện trực tiếp với Hằng, với giáo viên, phụ huynh và bạn bè trên lớp. Với hành vi trên của Hằng giáo viên cũng có thể sử dụng thêm các trắc nghiệm đánh giá cảm xúc hoặc hành vi như: khả năng kiểm soát cảm xúc, đánh giá hành vi chống đối, khả năng học tập để xác định những khó khăn hoặc hạn chế trong các mặt cảm xúc, hành vi và khả năng học tập của Hằng, những thông tin như:

Gia đình: hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, nghề nghiệp của bố mẹ, các anh/chị em trong gia đình và mối quan hệ của các thành viên trong gia đình cũng như phong cách giáo dục của cha mẹ.

Khả năng học tập của Hằng: Trước đây Hằng học tập như thế nào? Em có thế mạnh hay học môn nào tốt nhất? môn nào kém nhất?

Tiền sử bệnh tật: Hằng có mắc bệnh gì không? Trong thời thơ ấu em có trải qua những trải nghiệm hay biến cố nào đáng lưu tâm? Hiện tại sức khỏe thể chất của em thế nào?

Sở thích, điểm mạnh và thói quen của Hằng: Hằng có sở thích và điểm mạnh gì không? Em có thói quen gì trên lớp và ở nhà?

Quan điểm sống: Hằng có quan điểm sống như thế nào?

Mối quan hệ: Hằng có bạn thân không? quan hệ của Hằng với các giáo viên thời trung học cơ sở như thế nào?

Cảm xúc và hành vi của Hằng: khi em trêu chọc các bạn và cô giáo thì em cảm thấy như thế nào? Em thường làm gì khi có cảm xúc tiêu cực?

Những thông tin thu được cho thấy: Hằng là con đầu sinh ra trong gia đình có bố mẹ là những người kinh doanh buôn bán, nên bố mẹ cũng có ít thời gian quan tâm đến Hằng mà chỉ quan niệm cho con đầy đủ điều kiện là thương con. Hằng có tuổi thơ khá êm đềm và lực học ở mức khá, nhưng lên cấp 2 năm lớp 7 do em không đi học thêm môn Toán của giáo viên nên em thường xuyên bị điểm kém. Từ đây em ghét học Toán và ghét luôn giáo viên Toán, có thái độ tiêu cực không chỉ với giáo viên Toán mà với các giáo viên khác. Khi càng bị giáo viên trách phạt thì em lại càng tỏ ra ngang tàng và bướng bỉnh, dần dần các bạn trong lớp không muốn chơi với em vì sợ bị liên lụy. Em có người bạn thân nhưng bạn này đã chuyển sang tỉnh khác học do gia đình chuyển nhà vì thế Hằng có rất ít bạn chơi cùng. Đến lớp em thích nghịch và trêu chọc để các bạn cười, với em đó là lúc mà em cảm thấy mình được quan tâm và chú ý nhất. Lực học từ lớp 7 càng ngày càng kém cho đến khi lên lớp 10, nhưng Hằng lại là người nhanh nhẹn và rất năng động, thích hoạt động bề nổi, phong trào như chơi đá cầu, đá bóng.

Bước 2. Liệt kê các vấn đề/khó khăn của học sinh

Qua thông tin thu thập được từ bước 1, giáo viên đưa ra những vấn đề mà Hằng đang gặp phải gồm:

– Hành vi chống đối giáo viên.

– Khả năng kiểm soát cảm xúc kém: Hằng dễ dàng nổi nóng và tức giận nếu không đạt được mục đích hoặc có ai đó không làm thỏa mãn nhu cầu của em. Đây là một trong những vấn đề chính của Hằng

– Cô đơn vì không có bạn chơi. Đây cũng là một trong những vấn đề chính của Hằng

Bước 3. Xác định vấn đề của học sinh

Qua phân tích thông tin từ trò chuyện cũng các phương pháp khác như quan sát, phân tích hồ sơ học sinh, giáo viên thảo luận với đồng nghiệp (và tham khảo ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn) lý giải điều kiện duy trì và phát triển các vấn đề của Hằng như sau: Hằng bị hổng kiến thức từ hồi cấp 2 khi em vào lớp 7 do giáo viên dạy Toán có hành vi ứng xử không công bằng với em do em không đi học thêm lớp cô dạy. Từ đó Hằng ghét môn toán và ghét luôn giáo viên dạy toán. Hằng hình thành suy nghĩ trong đầu là chính các giáo viên là nguyên nhân dẫn đến việc em học kém do vậy em có hành vi chống đối giáo viên như một cách để trả thù lại việc giáo viên dạy Toán đã có hành vi không công bằng với em. Trong suốt thời gian ở trường trung học cơ sở Hằng rất cần bạn bè để chia sẻ và tâm sự nhưng em lại bị các bạn xa lánh vì vừa học kém lại hay bị giáo viên trách phạt nên các bạn cũng không muốn liên lụy. Sự cô đơn vì bị bạn bè tẩy chay khiến Hằng có hành vi chống đối để gây sự chú ý và lôi kéo mọi người về phía mình. Thêm vào đó, khả năng kiểm soát cảm xúc kém của Hằng cũng là một trong những yếu tố làm cho em dễ nổi nóng và không làm chủ được bản thân. Bố mẹ Hằng dù có quan tâm đến con nhưng lại nuông chiều không đúng cách làm cho vấn đề của em lại càng có điều kiện để duy trì.

Bước 4. Xây dựng kế hoạch tư vấn, hỗ trợ học sinh

Mục tiêu:

– Mong muốn lớn nhất của Hằng là được các bạn trong lớp chấp nhận mình và chơi cùng vì thế mục tiêu ưu tiên là giúp Hằng được các bạn trong lớp thừa nhận.

– Giúp Hằng biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân.

– Cải thiện kết quả học tập các môn học, trong đó tập trung vào các môn như Toán và Văn.

Hướng tư vấn, hỗ trợ:

– Giáo viên chủ nhiệm xây dựng chuyên đề tư vấn tâm lí cho học sinh trong lớp về chủ đề “Tình bạn tuổi học trò”.

– Giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động tập thể để Hằng tham gia cùng với cả lớp, tổ chức các cuộc thi thể thao trong đó có trò chơi đá cầu để Hằng khẳng định bản thân.

– Giáo viên chủ nhiệm chỉ định một số học sinh học khá giúp đỡ Hằng học Toán.

– Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn Hằng một số kỹ thuật để kiểm soát cảm xúc khi tức giận như hít thở sâu, sử dụng thời gian tạm lắng, đếm số từ 1-10…

– Giáo viên chủ nhiệm nói chuyện với bố mẹ Hằng để có thể hỗ trợ em, động viên, quan tâm đến Hằng khi ở nhà giúp em có thêm sự tự tin vào bản thân.

Việc xác định các hướng hỗ trợ/tư vấn trên dựa trên nguyên tắc tôn trọng học sinh (tin tưởng vào khả năng, sự thay đổi của học sinh; khẳng định giá trị của học sinh) và thể hiện trách nhiệm, mong muốn của giáo viên mang lại điều tốt đẹp cho học sinh.

Nguồn lực: Bên cạnh giáo viên chủ nhiệm, học sinh trong lớp cần có sự hỗ trợ của gia đình, nhất là bố mẹ Hằng để em có thể rèn luyện thói quen kiểm soát cảm xúc ở nhà, ra ngoài cũng như ở trường.

Sử dụng kênh thông tin, phối hợp với gia đình trong hỗ trợ, tư vấn cho học sinh:: Trong trường hợp này, giáo viên có thể sử dụng kênh thông tin qua gọi điện thoại trực tiếp cha mẹ, với học sinh hay trao đổi qua email hoặc zalo để có thể có thông tin và sự hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời.

Bước 5: Thực hiện tư vấn, hỗ trợ học sinh

Bước này giáo viên sẽ trực tiếp tiến hành các hỗ trợ cần thiết như: quan tâm, động viên, chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất, kết nối nguồn lực và tư vấn cung cấp thông tin cũng như tư vấn, hỗ trợ để giúp Hằng nhận diện và đối diện với khó khăn, vướng mắc của bản thân và chủ động thay đổi để giải quyết vấn đề từ đó nâng cao kĩ năng ứng phó với tình huống trong tương lai.

Bước 6: Đánh giá kết quả tư vấn, hỗ trợ học sinh

Sau một học kỳ hỗ trợ và tư vấn cho Hằng theo mục tiêu đề ra, Hằng đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn như: Em đã vui vẻ và không còn trêu bạn bè và giáo viên trong lớp, kết quả môn Toán có cải thiện đôi chút nhưng chưa nhiều, em đã có thể chơi với một số ít bạn trong lớp. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm vẫn chưa thể thay đổi thái độ của học sinh trong lớp với Hằng vì em vẫn còn hay nổi cáu nên nhiều học sinh vẫn né tránh Hằng. Giáo viên chủ nhiệm quyết định dừng tư vấn, hỗ trợ vì không còn chủ nhiệm lớp nữa và chuyển cho giáo viên chủ nhiệm lớp 11 tiếp tục hỗ trợ, tư vấn để Hằng thực sự được các bạn trong lớp chấp nhận và có thể cải thiện kết quả học tập để thi vào đại học.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *