BÀI TẬP CUỐI KHOÁ MODUL 5 – BÁO CÁO PHÂN TÍCH TRƯỜNG HỢP THỰC TIỄN TƯ VẤN, HỖ TRỢ HỌC SINH TIỂU HỌC.

Adwords TIN HỌC 0 lượt xem

 TƯ VẤN, HỖ TRỢ HỌC SINH TIỂU HỌC

TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC VÀ DẠY HỌC

Báo cáo phân tích trường hợp thực tiễn tư vấn hỗ trợ học sinh lớp 1

Họ và tên học sinh: Lê Phương Uyên

Giáo viên thực hiện tư vấn, hỗ trợ:  …. ……

Lý do tư vấn, hỗ trợ:  Uyên đi học muộn , đầu tóc quần áo không chỉnh tề , hay quên sách vở , đồ dùng học tập .

   1.Mô tả

Phương Uyên  năm nay vào lớp 1. Do bố mẹ bận công việc ở thành phố, không thu xếp được việc thường xuyên đưa đón, kèm cặp con học tiểu học nên đã gửi Uyên về quê, nhờ ông bà nội chăm sóc và cho con đi học ở trường làng. Những ngày đầu vào học ở trường mới, lớp mới, Uyên thường đi muộn, đầu tóc, quần áo không chỉnh tề, không mặc đúng đồng phục quy định. Uyên cũng hay quên vở, đồ dùng học tập, chưa biết tự chuẩn bị sách vở trước khi đến lớp nên cô giáo thường xuyên phải nhắc nhở. Cô cũng đã gặp ông bà nội và gọi điện trao đổi với bố mẹ Uyên  nhưng tình trạng không được cải thiện nhiều.

2. Hướng tư vấn, hỗ trợ

* Bước 1: Thu thập thông tin của học sinh

Giáo viên gặp gỡ, trao đổi với ông bà nội và bố mẹ của Uyên để tìm hiểu kĩ hơn các thông tin như:

+ Trước khi đi học, Uyên đã bao giờ xa bố mẹ, về sống với ông bà trong một khoảng thời gian dài chưa?

+ Ông bà có biết và nắm rõ về thời khóa biểu của lớp học của Uyên không?

+ Ông bà có trợ giúp Uyên hàng ngày trong việc chuẩn bị đồ dùng đi học không?

+ Ông bà có nhắc nhở Uyên về việc đúng giờ lên lớp hoặc thường xuyên gọi cháu dậy đi học không?

+ Bố mẹ của Uyên có thường xuyên quan tâm đến Uyên không?

+ Uyên có bạn trên lớp hoặc các bạn hàng xóm xung quanh không?

* Bước 2: Liệt kê các vấn đề/ khó khăn của học sinh

Sau khi trao đổi với các thành viên trong gia đình Uyên, giáo viên nhận thấy Uyên đang gặp những vấn đề sau:

+ Trước khi đi học, Uyên ở với bố mẹ, được bố mẹ trực tiếp quan tâm chăm sóc. Hiện tại, Uyên vẫn còn bỡ ngỡ với cuộc sống mới, chưa kịp quen với nếp sống ở quê, lại cũng chưa có kĩ năng tự chăm sóc cho bản thân.

+ Ông bà nội đã già, chủ yếu chăm sóc cháu về sức khỏe mà chưa chú trọng đến những yêu cầu cơ bản của hoạt động học tập, rèn luyện ở lớp 1 để tìm cách hướng dẫn, kèm cặp cháu.

+ Bố mẹ không thu xếp được thời gian và dành sự quan tâm, hướng dẫn thường xuyên (dù là từ xa) mà nhờ cậy cả vào ông bà.

+ Vào thời điểm chuẩn bị, cũng như bắt đầu đi học tiểu học, Uyên chưa được người lớn giải thích, hướng dẫn và chuẩn bị những kĩ năng cần thiết để sẵn sàng vào học lớp 1.

– Bước 3: Xác định vấn đề của học sinh

Bản thân Uyên đã từng sống (từ bé đến lớn) trong một môi trường khác với môi trường ở quê với ông bà, nhất là trong giai đoạn đầu của lớp 1 – khi học sinh phải bắt đầu một cuộc sống nhà trường hoàn toàn mới. Uyên không được chuẩn bị cho sự tự lực đó, nhất là trong điều kiện ông bà đã già. Nói cách khác, kĩ năng tự phục vụ ở Uyên chưa tốt (chưa hình thành được thói quen tự giác dậy sớm; tự chuẩn bị quần áo, sách vở đến trường; tự bảo quản đồ dùng cá nhân; tự giác hoàn thành các nhiệm vụ học tập…), lại sống với ông bà, xa bố mẹ, môi trường sống và học tập thì mới lạ… nên để cải thiện các kĩ năng này, cần có sự hỗ trợ rất tích cực của nhiều lực lượng giáo dục.

Ông bà nội của Uyên lại không được giải thích, hướng dẫn để biết cách chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho một học sinh vào học lớp 1, đặc biệt là những khó khăn mà học sinh có thể gặp phải. Vì thế, Uyên gần như bị mất thăng bằng trong môi trường và hoạt động học tập mới mẻ. Tất cả những điều đó tạo ra khó khăn lớn đối với Uyên.

* Bước 4: Xây dựng kế hoạch tư vấn, hỗ trợ học sinh

– Mục tiêu: (1) Giúp Uyên nhận ra những yêu cầu bắt buộc (hoặc cần thiết) phải tuân thủ, hoàn thành trong quá trình học tập ở nhà cũng như đến lớp; đồng thời, hình thành thói quen thực hiện những yêu cầu đó một cách tự giác, nghiêm túc; dần coi những việc đó như là nhu cầu tự phục vụ của chính bản thân mình; (2) Giúp Uyên cải thiện về mặt tâm lí bằng cách ghi nhận, khen ngợi…những công việc em làm được, làm đúng; (3) Làm thay đổi cách nhìn của ông bà trong việc chăm sóc và nuôi dạy Uyên tại gia đình đi kèm với các điều kiện mới, giúp con hòa nhập với cộng đồng và lớp học.

– Hướng tư vấn, hỗ trợ: Giáo viên chủ nhiệm nên: (1) Có những cuộc gặp trực tiếp để trò chuyện với ông bà của Uyên, giúp họ hiểu những khó khăn mà Uyên gặp phải và biết cách giúp đỡ Uyên hoàn thành nhiệm vụ; (2) Cung cấp một lịch biểu ngắn hạn để ông bà ghi chú những vấn đề cần làm để hỗ trợ cháu, dần tạo cho Uyên thói quen đó với những yêu cầu từ chính ông bà; (3) Cung cấp đầy đủ thông tin về Uyên cho bố mẹ của em để họ tích cực dành thời gian quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ con trong giai đoạn đầu làm quen với môi trường sống và học tập mới; (4) Từng bước giúp Uyên hiểu những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện khi đến trường, lớp. Giải thích dần dần cho em hiểu và nhận ra trách nhiệm của mình. Kịp thời động viên, khen ngợi khi em có tiến bộ; (5) Phối hợp với ông bà, bố mẹ trong việc giám sát, hướng dẫn, đốc thúc Uyên thực hiện những nhiệm vụ được giao về nhà và tự chuẩn bị trước khi đến lớp; (6) Có thể thay đổi chỗ ngồi trên lớp cho Uyên để giáo viên quan sát thuận tiện hơn, kịp thời tư vấn, hỗ trợ cho em; (7) Tạo các nhóm bạn học tập trong lớp, bố trí Uyên vào một nhóm và yêu cầu các bạn trong nhóm giúp đỡ lẫn nhau, cũng như giúp đỡ Uyên; (8) Hướng dẫn ông bà, bố mẹ của Uyên một số kĩ năng tạo động lực cho con. Tại lớp học cũng có thể thực hiện một số trò chơi tạo động lực cho học sinh, dần đưa Uyên vào quỹ đạo chung của lớp trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập và rèn luyện.

– Nguồn lực: Cô giáo, ông bà, bố mẹ, bạn bè và các tổ nhóm học tập.

* Bước 5: Thực hiện tư vấn, hỗ trợ học sinh

Giáo viên trực tiếp tiến hành các hỗ trợ cần thiết như: quan tâm, động viên, chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất, kết nối nguồn lực và tư vấn cung cấp thông tin cũng như tư vấn tâm lí để giúp học sinh nhận diện, đối diện với khó khăn của bản thân; chủ động thay đổi để giải quyết vấn đề; từ đó nâng cao kĩ năng ứng phó với các tình huống tương tự trong tương lai.

* Bước 6: Đánh giá kết quả tư vấn, hỗ trợ học sinh

Sau 1 tháng, từ chỗ hiểu nguyên nhân, phối hợp với các bên liên quan để hỗ trợ Uyên, giáo viên. ông bà, bố mẹ đã nhận thấy những thay đổi tích cực của con, cháu mình. Uyên đã dần hình thành các thói quen tốt, nhất là thói quen tự phục vụ; thực hiện được những nhiệm vụ mà cô giáo yêu cầu. Ông bà cũng hiểu được tâm lí của cháu và những việc cần làm để giúp cháu. Bố mẹ Uyên dù ở xa nhưng vẫn cố gắng quan tâm đầy đủ, thường xuyên hơn. Trên lớp, các nhóm bạn luôn sẵn lòng hỗ trợ. Tất cả mọi người cùng chung tay nên đã tạo ra sự thay đổi tích cực ở Uyên, làm cho việc đi học và thực hiện các nhiệm vụ học tập của em trở nên nhẹ nhàng hơn.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *